Tại tọa đàm do Báo Tài chính & Đầu tư tổ chức với chủ đề “Ứng dụng AI thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp” ngày 4/7/2025, ông Vũ Thanh Tùng – Giám đốc sản phẩm GreenNode, VNG Group – đã chia sẻ những góc nhìn thực tế về việc ứng dụng AI tại doanh nghiệp Việt Nam, cũng như vai trò tiên phong của GreenNode trong việc giải quyết các bài toán cụ thể nhờ công nghệ AI.
Theo ông Tùng, để AI thực sự tạo ra giá trị, điều tiên quyết là phải xuất phát từ nhu cầu thực tế. “Dựa trên các chính sách quyết liệt và rõ ràng từ Chính phủ trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng khối hành chính công lẫn các doanh nghiệp bên ngoài đều đã đẩy nhanh tiến độ triển khai ứng dụng AI”.
Trên thực tế, nhiều đơn vị hành chính công đã bắt đầu giải quyết các bài toán về trích xuất và xử lý tự động hồ sơ sơ yếu lý lịch – quy trình vốn phụ thuộc vào các thao tác thủ công - bằng AI. Ở lĩnh vực bảo hiểm, giải pháp AI cũng đang được áp dụng để tự động hóa quá trình xử lý hồ sơ khám bệnh, đơn thuốc, giúp đơn giản hóa thủ tục yêu cầu bồi thường cho người dân.
Tương tự, trước đây, nhiều ngân hàng phải bố trí lượng lớn nhân sự xử lý hồ sơ vay theo cách thủ công, mất thời gian và dễ sai sót. Tuy nhiên, giải pháp trích xuất tài liệu bằng AI do GreenNode phát triển có thể xử lý hàng chục triệu tài liệu mỗi năm, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí vận hành và rút ngắn tới 30% thời gian xử lý hồ sơ. “Nhờ có định hướng và chính sách rõ ràng từ Chính phủ, các doanh nghiệp và cơ quan hành chính công đã xác định được những bài toán cụ thể để ứng dụng AI vào thực tiễn một cách hiệu quả”, ông Tùng khẳng định.
Giải pháp sinh trắc học TrueID của GreenNode đã được hơn 40 khách hàng – từ ngân hàng đến các công ty tài chính – lựa chọn để đáp ứng yêu cầu xác thực giao dịch từ xa, phù hợp với các quy định mới hiện nay. Song song đó, TrueID cũng phát triển một sản phẩm mới Biometric Center - trung tâm đồng bộ dữ liệu sinh trắc học, giúp tập trung hóa và liên thông các thông tin xác thực giữa các hệ thống, đảm bảo trải nghiệm người dùng liền mạch, đồng thời vẫn cho phép doanh nghiệp duy trì các giải pháp hiện hữu mà không bị phá vỡ cấu trúc hệ thống.
Tuy nhiên, khi làn sóng Gen AI bùng nổ, bài toán lớn nhất đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam chính là vấn đề về chi phí vận hành, đặc biệt khi đầu tư ở lớp nền tảng bởi các dòng chip hiện đại hiện nay thường có chi phí đắt đỏ. Để giải bài toán này, GreenNode đã chủ động đầu tư hạ tầng AI Cloud quy mô lớn đầu tiên tại Đông Nam Á, đặt tại Bangkok (Thái Lan) và đã thương mại hóa thành công từ tháng 6 năm ngoái.
“Thành công thương mại nghĩa là chúng tôi không chỉ phục vụ được nhu cầu trong nước và khu vực, mà còn đủ năng lực tiếp cận các doanh nghiệp tại Mỹ, châu Âu – nhờ vào đội ngũ kỹ sư và năng lực phát triển sản phẩm ngay tại Việt Nam. GreenNode mong muốn doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận công nghệ AI tiên tiến nhất thế giới, nhưng với chi phí hợp lý và khả năng kiểm soát dữ liệu tối ưu”, ông Tùng cho biết.
Cần làm gì để hệ sinh thái AI phát triển bền vững?
Từ kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp trong thực tiễn, ông Tùng cho biết muốn triển khai AI hiệu quả, doanh nghiệp phải bắt đầu từ việc xây dựng hệ thống dữ liệu sạch, tập trung và được quản lý bài bản. Đây là lý do GreenNode phát triển nền tảng Data Bloom – giúp doanh nghiệp gom và tổ chức lại dữ liệu rời rạc, tạo nền cho huấn luyện và vận hành các mô hình AI, kể cả khi sử dụng các công cụ mã nguồn mở như DeepSeek, LLaMA hay Qwen.
Chia sẻ về việc phát triển hệ sinh thái AI, ông Tùng cho biết ở lớp nền tảng, GreenNode hiện đang có các giải pháp về AI Platform giúp các start-up, các phát triển, nhà nghiên cứu có thể dễ dàng ứng dụng Gen AI với chi phí vừa phải. “Đội ngũ có thể giúp doanh nghiệp áp dụng những cái bài toán AI thì rất là thiếu. Do đó, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái kết nối giữa doanh nghiệp và các start-up về AI – với chuyên môn sẵn có và đội ngũ kỹ thuật mạnh – có thể trực tiếp giải quyết các bài toán cụ thể của doanh nghiệp. Như vậy, cả hai bên đều được hưởng lợi: doanh nghiệp giải được bài toán của mình, còn start-up có được đầu ra và cơ hội phát triển.”
“Chính sách phát triển cần gắn với bài toán cụ thể”
Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế trong việc phát triển AI, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước xác định AI là một trong những trụ cột chiến lược cho sự phát triển của nền kinh tế số. Việc hàng loạt chính sách, văn bản pháp lý mới được ban hành và có hiệu lực trong thời gian qua đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ - trong đó AI giữ vai trò then chốt.
“Từ góc độ người làm sản phẩm, thách thức lớn nhất khi đưa sản phẩm ra thị trường là phải vừa học hỏi, vừa triển khai thực tế, đồng thời liên tục cải tiến qua từng phiên bản. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ hay khối hành chính công có thể đưa ra “đầu bài” rõ ràng, hoặc tạo điều kiện để doanh nghiệp công nghệ như GreenNode có cơ hội được hỗ trợ, đồng hành và giải quyết những bài toán cụ thể trong thực tiễn”, ông Tùng nhấn mạnh.
Nghị quyết 57/NQ-TW, của Bộ Chính trị đã xác định đột phá phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết, là cơ hội rất lớn để đất nước phát triển giàu mạnh và hùng cường trong kỷ nguyên mới. Trong đó, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển AI. |