Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG cho biết, thanh toán di động sẽ là sản phẩm chiến lược mà VNG tập trung đầu tư trong năm 2018 cũng như các năm tiếp theo.

ZaloPay sẽ có mạng lưới rộng khắp

Theo ông Lê Hồng Minh, hiện các giao dịch thanh toán di động chỉ mới chiếm chưa đầy 1% tổng số giao dịch trên thị trường, do đó, cơ hội và tiềm năng của thanh toán di động thật sự còn rất lớn. Nhận định thị trường mới ở giai đoạn trứng nước, ông cho biết VNG sẽ tiếp tục đầu tư chủ yếu vào phần kỹ thuật, công nghệ để hoàn thiện sản phẩm, hướng tới trải nghiệm người dùng tốt nhất, sau đó sẽ từng bước mở rộng tập người dùng sử dụng ZaloPay.

Sự đầu tư mạnh mẽ, mang tính chiến lược dài hạn của VNG trong năm 2018 cho ZaloPay và thanh toán di động, tất yếu, sẽ có tác động đến kế hoạch lợi nhuận của công ty về ngắn hạn.
VNG đang đầu tư mạnh mẽ cho sản phẩm chiến lược ZaloPay

Chia sẻ bên lề sự kiện, ông Tom Herron, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của VNG một lần nữa nhấn mạnh tầm nhìn của công ty đối với thanh toán di động.

“Dù có lợi thế tập người dùng sẵn có từ các sản phẩm của VNG, đặc biệt là Zalo, nhưng VNG cũng không nóng vội quảng bá ZaloPay quá mạnh. Chúng tôi muốn khi khách hàng trải nghiệm sản phẩm, thì đó phải là sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, thuận tiện nhất”, ông nói.

Nói cách khác, với một sản phẩm cần nhiều niềm tin từ người sử dụng như thanh toán, thì chất lượng sản phẩm cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu trước khi đặt vấn đề mở rộng thị trường.

Liên quan đến định hướng pháat triển ZaloPay, lãnh đạo VNG đều khẳng định, ZaloPay sẽ kết nối với một mạng lưới đối tác rộng khắp để tạo ra được nhiều tiện ích nhất, phục vụ “đời sống hàng ngày” của người dùng, từ thanh toán tiền tàu xe đi lại, điện nước, các nhu cầu giải trí, ăn uống, mua sắm… Đây có thể coi là một định hướng chính xác, bởi thương mại điện tử, logistics, F&B (food & beverages) đều đang là những thị trường rất giàu tiềm năng, tăng trưởng “hot” tại thời điểm này của Việt Nam, với dự đoán tốc độ tăng trưởng luôn ở mức 2 con số trong những năm tới.

Nhưng không chỉ phục vụ các dịch vụ bên ngoài, ZaloPay cũng sẽ được tích hợp sâu và phục vụ tất cả các sản phẩm mà VNG đang cung cấp như game, Zalo, Zing…

Thương mại điện tử là cuộc chơi lâu dài

Liên quan đến khoản đầu tư của VNG vào Tiki, ông Lê Hồng Minh nhấn mạnh, thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện vẫn trong giai đoạn xây dựng về quy mô, tất cả các doanh nghiệp đều chưa bận tâm nhiều đến con số lãi lỗ.

Đây cũng là đường đi chung của các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn trên thế giới. Amazon, JD.com cũng phải chịu lỗ nhiều năm trước khi bắt đầu có lãi, Grab, Uber vẫn liên tục phải huy động thêm vốn trong quá trình mở rộng tệp khách hàng sử dụng.

Về phần Tiki, sau khi nhận được vốn đầu tư từ VNG vẫn đang tăng trưởng tốt và đúng hướng. Tổng giá trị hàng hóa trong năm 2017 của Tiki đã cao gấp 4 lần so với năm trước đó, giá trị cổ phần cũng tăng lên đáng kể sau khi nhận vốn liên tục từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Không kinh doanh bằng mọi giá


Một số cổ đông đặt câu hỏi về việc Zalo vừa công bố cán mốc 100 triệu người dùng đăng ký, nhưng doanh thu từ quảng cáo trên Zalo, dù tốt, dường như vẫn chưa tương xứng. Họ mong muốn VNG sẽ có thêm các công cụ để đẩy mạnh quảng cáo trên các kênh sản phẩm truyền thông như Zalo, Zing… hơn.

Trước những ý kiến này, ông Tom Herron chia sẻ rằng VNG cũng rất kỳ vọng vào việc tăng trưởng lợi nhuận, nhưng một trăn trở lớn của công ty là làm thế nào để cân bằng hài hòa giữa mục tiêu kinh doanh với quyền lợi của người dùng. Việc hiển thị nhiều quảng cáo có thể khiến người dùng cảm thấy không thoải mái với sản phẩm, cũng như việc tìm hiểu, phân tích dữ liệu người dùng để hiển thị quảng cáo hiệu quả hơn vẫn cần phải đảm bảo sự riêng tư, bảo mật cho người dùng.

ZaloPay là nền tảng công nghệ thanh toán bằng QR được VNG phát triển và đưa ra thị trường từ năm 2016. Hiện ZaloPay đã đạt thị phần 2 con số và đang nằm trong Top 5 ứng dụng thanh toán trên thị trường Việt Nam.

(Theo Báo Đầu Tư)