Ứng dụng tin nhắn của Việt Nam đã bắt đầu lan toả tại Myanmar, với 2 triệu người dùng thường xuyên.

Ngày 26/10, tại Yangon, Myanmar, ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc VNG, người sáng lập Zalo, tuyên bố dịch vụ nhắn tin tức thời này có 2 triệu người dùng tại đây.

Con số 2 triệu người dùng gây bất ngờ, bởi thông tin Zalo "âm thầm" xâm nhập Myanmar chỉ xuất hiện trên báo chí từ cuối tháng 8. Nhưng trên thực tế, đội ngũ của Zalo từ lâu đã liên tục sang Myanmar để tìm hiểu về hành vi người dùng và nghiên cứu về hạ tầng tại đây.

Ông Vương Quang Khải tại buổi họp báo công bố Zalo có 2 triệu người dùng ở Myanmar

Sau khi đã hiểu được về người dùng Myanmar, Zalo bắt đầu thêm vào gói ngôn ngữ Burmese, thậm chí công nghệ bên trong ứng dụng cũng phải hiểu được tiếng của người Myanmar. Đây cũng là phần mềm nhắn tin duy nhất "địa phương hoá" cho Myanmar, tính đến thời điểm này.

Để mang lại khả năng nhắn tin nhanh, ổn định như Zalo ở Việt Nam, đội ngũ tại Myanmar đã thiết lập máy chủ riêng cho thị trường này. Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết bài toán về kỹ thuật ở Việt Nam, các kĩ sư Việt vẫn rất thận trọng bởi đây là lần đầu tiên họ bước ra thế giới. Bất cứ một sự bổ sung nào vào sản phẩm cũng được cân nhắc rất kỹ càng, dựa trên những phân tích số liệu phức tạp và các cuộc thảo luận kéo dài.

Nói về lý do chọn Myanmar, ông Khải cho rằng quốc gia này giàu tiềm năng với 52 triệu dân và đang ở giai đoạn mở cửa. Công nghệ phát triển nhưng hạ tầng lại chưa thay đổi kịp để đáp ứng nhu cầu, kết nối Internet còn khá yếu và smartphone phổ biến là các dòng máy giá rẻ. Về những điểm này, Myanmar khá giống với Việt Nam lúc Zalo ra mắt vào cuối năm 2012.

Báo chí Myanmar có những phản hồi tích cực về Zalo, khi ứng dụng đang đáp ứng tốt các nhu cầu của người dùng tại đất nước này.

Trả lời truyền thông địa phương, ông Khải cho biết Zalo tại Myanmar sẽ cập nhật các tính năng cốt lõi gần như song song với Việt Nam, vì cả hai thị trường có nhiều nét tương đồng. Phiên bản dành cho Android ở Việt Nam đã có video call, và Zalo ở Myanmar sẽ sớm có tính năng này trong tháng tới. Tuy nhiên, tại Myanmar, Zalo bước đầu sẽ chỉ tập trung vào tin nhắn tức thời, chưa có các dịch vụ gia tăng như ở Việt Nam.

Trong số 2 triệu người dùng, nhiều nghệ sĩ lớn của Myanmar như Nay Toe, Tun Tun, Thun Set cũng đang là thành viên tích cực của Zalo. Theo đánh giá của giới công nghệ nước này, ứng dụng Việt được ưa thích là nhờ kết nối nhanh, ổn định và là ứng dụng duy nhất hỗ trợ ngôn ngữ và nội dung địa phương tính đến thời điểm hiện tại.

Nói với Zing.vn, ông Vương Quang Khải cho rằng niềm vui lớn nhất khi đến Yangon, bật tính năng "tìm quanh đây" và thấy có rất nhiều người bản xứ dùng Zalo trong phạm vi vài trăm mét đổ lại, khác hẳn với cảnh "đìu hiu" 6 tháng trước đó. “Giấc mơ lãng mạn mới của các kỹ sư Zalo là mang được sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Cột mốc 2 triệu ở Myanmar còn khiêm tốn, nhưng là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục theo đuổi khát vọng của mình", ông Vương Quang Khải chia sẻ.

Theo người sáng lập Zalo, kỳ vọng của ông là phần mềm nhắn tin của Việt Nam sẽ chiếm được 50% thị phần tại Myanmar. Xứ chùa tháp hiện có khoảng 18 triệu người dùng mạng di động, nhiều trong số này sử dụng các thiết bị cấu hình thấp.

Theo Zing.vn