Các diễn giả tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam nhận định dữ liệu là chìa khoá vàng, là "dầu mỏ" để tạo đột phá trong xây dựng kinh tế số.

Trước đây, dầu mỏ được coi là tài nguyên quý giá nhất. Còn trong nền kinh tế số, dữ liệu là tài sản vô giá. Những công ty thuộc "câu lạc bộ" vốn hóa trên một nghìn tỷ USD - Google, Amazon, Microsoft, Apple - hay mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebook, đều làm giàu một phần dựa trên việc phân tích và khai thác nguồn tài nguyên dữ liệu số.


"Trước đây, chúng ta chú trọng vào mua sắm phần cứng, rồi đến phần mềm, còn nay chúng ta chú trọng vào làm chủ dữ liệu và phân tích dữ liệu", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ trong sự kiện Ngày Internet Việt Nam diễn ra sáng 16/12 tại Hà Nội.

"Nhiều người vẫn nói dữ liệu là dầu mỏ của thế kỷ 21. Nhưng thật ra vẫn có sự khác biệt. Dầu mỏ hữu hạn, trong khi dữ liệu là vô hạn. Theo thống kê, trung bình mỗi người tạo ra 1,7 GB dữ liệu một ngày", ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, nói. "Đó là nguồn dữ liệu vô cùng lớn, nhưng cũng như dầu thô, dữ liệu thô không có giá trị. Quan trọng là phải thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu như thế nào".

Theo ông Minh, 99% dữ liệu hiện ở dạng thô, chỉ 1% được xử lý để tạo ra giá trị. Trong 1% này, phần lớn do các doanh nghiệp đa quốc gia trên thế giới xử lý. Các nguồn dữ liệu tại Việt Nam cũng rời rạc, không liên thông và trùng lặp. Người dùng cũng không biết thông tin của mình đang bị những ai thu thập và thu thập để làm gì.

"Vậy làm sao để phát triển kinh tế số? Trước hết, cần tạo dựng cho người dân niềm tin rằng dữ liệu cá nhân của họ đang được tôn trọng, bảo vệ. Ban hành Luật bảo vệ quyền riêng tư, phát triển hạ tầng như Digital ID thay thế cho chứng minh nhân dân và xây dựng mạng lưới trao đổi dữ liệu giữa các doanh nghiệp là những nhiệm vụ cấp bách trong 3-5 năm tới để kích thích sự bùng nổ của nền kinh tế số - dữ liệu số", ông Minh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hùng Sơn, Tổng giám đốc FSI, cho rằng chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả khía cạnh đời sống. Tuy nhiên, trên thực tế, dữ liệu - nguồn tài nguyên được đánh giá là vô giá của mọi tổ chức - vẫn chưa được quản lý hiệu quả.

"Thực tế cho thấy khối lượng dữ liệu đã số hoá tại các tổ chức ước tính khoảng dưới 30%, còn lại trên 70% vẫn nằm trên giấy tờ và chưa có biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả. Đó là kết quả của cơ chế quản lý thủ công, bán tự động mà lịch sử để lại", ông Sơn nói.

Nền kinh tế số thông minh

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Nghiên cứu của Huawei chỉ ra rằng nền kinh tế số càng phát triển sẽ càng cung cấp cho các quốc gia cơ hội phục hồi cao hơn trước các tác động của Covid-19. Sức mạnh phục hồi kinh tế dựa trên dự báo của IMF trong năm 2021 có tương quan hợp lý với những quốc gia có mức độ số hóa kinh tế cao nhất.


Ông Andrew Williamson, Phó chủ tịch Huawei, cho rằng sự gia tăng sử dụng các giải pháp kỹ thuật số của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đã đưa xã hội đến ngưỡng "nền kinh tế thông minh". Nhận thức được mô hình mới này, một số chính phủ đã đặt lĩnh vực kỹ thuật số vào vị trí trọng tâm của các kế hoạch phục hồi kinh tế vĩ mô của họ.

"Hầu hết đều đồng ý rằng công nghệ số đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho xã hội hoạt động thông suốt trong đại dịch. Trí tuệ nhân tạo, công nghệ nhận dạng hình ảnh giúp gia tăng đáng kể về tốc độ và số lượng chẩn đoán bệnh nhân Covid-19. Mã QR và các ứng dụng truy vết giúp ngăn chặn sự lây lan. Hội nghị truyền hình và các công cụ năng suất khác cho phép nhiều người làm việc tại nhà... Tất cả đều được củng cố bởi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số khi nhu cầu sử dụng tăng cao. Ngành ICT đã 'giải cứu' chúng ta vào thời điểm cần thiết", ông Williamson nhận định.

Theo ông, tiềm năng cho nền kinh tế số của Việt Nam rất hứa hẹn. Theo nghiên cứu của Hiệp hội GSMA năm 2020 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam được đánh giá là nước tiến bộ về kỹ thuật số khi có điểm số được cải thiện nhiều nhất, tăng 12 điểm từ năm 2016 đến năm 2019, trong số 11 quốc gia được đề cập. Việt Nam cũng có mức tăng cao nhất ở Đông Nam Á, khoảng 41%, về số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số mới trong đại dịch.

"Động lực cho chuyển đổi số rất rõ ràng và nhu cầu đón nhận sự thay đổi chưa bao giờ lớn hơn thế. Tuy nhiên, các quốc gia sẽ chỉ nhận ra những lợi ích đầy đủ của sự chuyển đổi này nếu các chiến lược kỹ thuật số của họ được xây dựng dựa trên thế mạnh của riêng họ và các chính sách kỹ thuật số của họ được ưu tiên, nhắm mục tiêu và hiệu quả", đại diện Huawei nhấn mạnh.